Hai phương pháp phân tích chứng khoán được các NĐT sử dụng nhiều nhất là phân tích cơ bản và phân tích kỹ thuật. Bài viết này sẽ đề cập một số cách định giá trái phiếu và cổ phiếu bằng trường phái phân tích cơ bản.
Trái phiếu là cho vay nợ
Khi nói đến thị trường chứng khoán, chúng ta thường nghĩ ngay đến cổ phiếu công ty. Thật ra, trên hoạt động mua bán chứng khoán hàng ngày, số lượng giao dịch trái phiếu lúc nào cũng lớn hơn cổ phiếu. Ở Mỹ thị trường trái phiếu gấp bốn lần thị trường cổ phiếu.
Thông thường các công ty lớn đều có hoạt động đầu tư tài chính.
Ví dụ, một công ty đầu tháng nhận vào 100 tỷ đồng, chưa cần phải chi ngay, gởi ngân hàng thì lãi suất quá thấp, mua cổ phiếu thì rủi ro quá lớn vì thế công ty này sẽ mua trái phiếu cho chắc ăn.
Đến cuối tháng khi cần tiền mặt để trả lương chẳng hạn, công ty này sẽ bán lượng trái phiếu mới mua và nhận một khoản lãi không nhỏ.
Có nhiều loại trái phiếu như trái phiếu Chính phủ, trái phiếu đô thị, trái phiếu công ty...
Dù có tên là gì, trái phiếu vẫn là tờ giấy nhận nợ của nơi phát hành với sự cam kết sẽ trả lại cho người mua số tiền ghi trên trái phiếu (mệnh giá – thường là 100.000 đồng), vào thời điểm đáo hạn và khoản tiền lãi trả định kỳ (thường là nửa năm một lần).
Lãi suất của các loại trái phiếu khác nhau tùy thuộc vào độ rủi ro của nó. Trái phiếu Chính phủ được xem là an toàn nhất nên lãi suất cũng thấp nhất, trái phiếu của những công ty mới ra đời có lãi suất cao hơn để thu hút người mua chịu chấp nhận độ rủi ro cao hơn.
Mua trái phiếu tức là chấp nhận chôn tiền vào một chỗ trong thời gian khá lâu (dưới năm năm vẫn là ngắn hạn, từ 5 đến 12 là trung hạn và trên 12 năm mới được xem là dài hạn). Có lẽ không ai chịu để tiền nằm chết dí như thế nên mới có thị trường mua đi bán lại trái phiếu.
Và chính ở thị trường này mới xuất hiện hiện tượng: “Khi lãi suất trên thị trường giảm, giá trái phiếu lại tăng; ngược lại, khi lãi suất tăng, giá trái phiếu thường giảm”.
Ví dụ bạn mua một trái phiếu kỳ hạn 5 năm giá 100.000 đồng, lãi suất cố định 9% năm. Tức là hàng năm bạn sẽ nhận 9.000 đồng tiền lãi, suốt trong năm năm và cuối cùng nhận lại 100.000 đồng tiền vốn của mình.
Nay giả thử lãi suất giảm, người ta phát hành trái phiếu mới, cũng có mệnh giá 100.000, lãi suất chỉ còn 5% năm. Tức là người sở hữu loại trái phiếu mới chỉ nhận 5.000 tiền lãi mỗi năm trong khi bạn vẫn nhận đều 9.000 năm.
Bây giờ nếu có người muốn mua lại trái phiếu của bạn, ắt bạn sẽ không chịu bán với giá 100.000 nữa mà phải đòi cao hơn vì loại trái phiếu của bạn nắm có lãi suất cao hơn.
Như vậy người mua trái phiếu không chỉ trông chờ vào lãi suất ghi trên trái phiếu, họ còn chờ vào việc giá trái phiếu thay đổi – lên thì họ hưởng, xuống thì chịu rủi ro. Lợi nhuận loại này gọi là lợi suất hiện hành (current yield).
Khi mới phát hành một loại trái phiếu có lãi suất 6% sẽ có lợi nhuận là bằng lãi suất, tức là 6%. Ví dụ nếu giá trái phiếu có mệnh giá 100.000 chỉ còn 90.000, lợi nhuận sẽ là 6,67% (100.000 x 0,06/90.000).
Người ta thường tính lợi suất đáo hạn (yield to maturity) để so sánh các loại trái phiếu với nhau. Lợi suất đáo hạn gồm tất cả tiền lãi người nắm trái phiếu có được cho đến khi đáo hạn cộng lợi tức nhờ giá mua thấp hơn mệnh giá hay trừ phần lỗ nếu giá mua cao hơn mệnh giá.
Định giá trái phiếu
Ví dụ chúng ta muốn biết giá thị trường hiện nay của một trái phiếu có mệnh giá 100.000 đồng, lãi suất hàng năm 10%, còn 9 năm nữa thì đáo hạn là bao nhiêu?
Nếu lãi suất hiện giờ của loại trái phiếu này là 12%, chúng ta sẽ tính giá trị hiện tại của dòng tiền 10.000 đồng nhận hàng năm (tức là lãi suất hàng năm) trong 9 năm chiết khấu cho 12% là bao nhiêu xong rồi cộng với giá trị hiện tại của 100.000 đồng (mệnh giá) sẽ nhận trong 9 năm nữa, cũng chiết khấu cho 12%.
Nếu gọi V là giá thị trường của trái phiếu nói trên, công thức tính có thể ghi lại như sau:
V = 10.000 x PVIFA12%,9 + 100.000 x PVIF12%,9 => V = 53.280 + 36.100 = 89.380 đồng.
(Ghi chú: nếu tính theo bảng phụ lục kết quả sẽ hơi khác nếu tính bằng máy tính vì bảng phụ lục làm tròn số từ số lẻ thứ ba. Giá tính theo máy tính sẽ là 89.344 đồng).
Bây giờ, giả thử lãi suất của một trái phiếu tương tự chỉ có 8% thay vì 12% như chúng ta vừa tính, giá trái phiếu này sẽ là bao nhiêu?
V = 10.000 x PVIFA8%,9 + 100.000 x PVIF8%,9 => V = 62.470 + 50.000 = 112.470 đồng
Trong trường hợp lãi suất trả mỗi năm hai lần, cần điều chỉnh công thức một chút. Lấy ví dụ một trái phiếu công ty X có lãi suất 10%, cứ sáu tháng trả lãi một lần, còn 12 năm nữa sẽ đáo hạn. Giá của nó sẽ được tính như sau, nếu lãi suất kỳ vọng của một trái phiếu tương tự hiện nay là 14%:
V = 5.000 X PVIFA7%,24 + 100.000 x PVIF7%, 24 => V = 57.345 + 19.700 = 77.045 đồng
Tức là chúng ta lấy tiền lãi nhận từ kỳ, nhưng lãi suất kỳ vọng chia đôi và thời gian đến lúc đáo hạn cũng phải nhân đôi lên.
Thông thường chúng ta đâu cần biết giá của trái phiếu vì thị trường mua bán nó nhanh lắm, giá cả lên xuống từng ngày theo tình hình chung của nơi phát hành trái phiếu và sức khỏe nền kinh tế.
Ngược lại, chúng ta có thể dựa vào giá thị trường để so sánh xem lãi suất của trái phiếu trên danh nghĩa hơn hay kém so với lãi suất kỳ vọng mà nhà đầu tư đặt vào trái phiếu ấy thông qua cách định giá của thị trường.
Với công thức trên, một khi đã biết V, biết mức lãi nhận định kỳ, biết mệnh giá, chúng ta có thể suy ra mức lãi suất kỳ vọng này.
Nếu cố phần mềm thì ciệc tính toán sẽ nhanh chóng hơn tính bằng máy tính bỏ túi, chúng ta phải dùng phương pháp thử – sai – thử tiếp (tức là dùng nhiều mức lãi khác nhau để tính giá), cho đến lúc nào đúng với giá thị trường đang đưa ra thì đó chính là lãi suất kỳ vọng.
Những tay môi giới trái phiếu chuyên nghiệp đều có bảng tính sẵn để tiện tra cứu.
Cổ phiếu là góp vốn cùng làm ăn
Nếu mua trái phiếu công ty là cho công ty đó vay nợ thì mua cổ phiếu của nó chính là tham gia góp vốn cùng “lời ăn, lỗ chịu” với nó.
Vì góp vốn làm ăn nên mức độ rủi ro cao hơn và vì vậy mức lợi nhuận cũng phải cao hơn trái phiếu.Người mua cổ phiếu trông chờ hai nguồn lợi tức - tiền lãi công ty chia hàng năm, gọi là cổ tức và tiền lời (hay lỗ) khi bán lại cổ phiếu mình đang sở hữu.
Ở nước ta, tâm lý người mua cổ phiếu giai đoạn đầu nặng phần trông chờ cổ tức hơn nhất là sau đợt lên xuống giá bất thường của thị trường chứng khoán.
Nhưng từ giữa năm 2006 đến nay, hầu như nói đến giá cả cổ phiếu, ai nấy đều nghĩ đến mức lãi vốn (capital gains), tức là mua cổ phiếu, sau một thời gian, giá lên, bán đi kiếm lãi.
Định giá cổ phiếu là đề tài gây tranh cãi nhiều nhất vì đơn giản là không có cách nào chính xác hoàn toàn cả. Nếu biết rằng người nào định được giá cổ phiếu chính xác chắc chắn trở thành triệu phú trong thời gian ngắn thì chúng ta sẽ đọc những cuốn sách bàn về cách định giá cổ phiếu với sự hoài nghi như khi đọc sách bói toán.
Nếu người viết sách giỏi thật, sao họ không bỏ thì giờ ra mua bán cổ phiếu làm giàu đi, cũng như những ông xem bói sao không giỏi đoán hậu vận của chính họ.
Dưới đây là những cách tính ghi trên sách giáo khoa tài chính. Định giá cổ phiếu V, với giả định cổ tức sẽ nhận là D sẽ tăng trưởng theo tốc độ g, và mức lãi kỳ vọng của thị trường là k, chúng ta có công thức:
V = D/(k-g) (1)
Ví dụ, cổ phiếu công ty X sẽ được chia cổ tức 4.000 đồng, mức cổ tức này hàng năm sẽ tăng đều 6% và lãi suất kỳ vọng của thị trường là 14%, giá của cổ phiếu này sẽ là: V = 4.000/0.14-0.06 = 50.000 đồng
Từ công thức (1) ta suy ra được mức lãi suất kỳ vọng:
k = (D/V) + g
Với loại cổ phiếu có cổ tức cứ chia đều đều không đổi :
V = D/k
Chuẩn đoán sức khỏe công ty
Một bản tin nói công ty A có doanh thu năm nay tăng 20% so với năm ngoái: thông tin này chưa đủ để người đọc tin cậy vào tương lai công ty này mà bỏ tiền mua cổ phiếu của nó. Đọc tin tài chính công ty cần phải lưu ý những chi tiết nào có thể cho mình thông tin về sức khỏe của nó?
Trước hết đó là các con số như tài sản cố định, tài sản lưu động, các khoản nợ, khoản vay, và các khoản lời lỗ, cổ tức dự kiến (xem các bài sau về đọc và phân tích báo cáo tài chính). Tuy nhiên, bản thân những con số này khó lòng nói lên một điều gì nếu không có sự so sánh đối chiếu.
Nhà đầu tư thường chú ý trước tiên đến biên lợi nhuận (profit margin) của công ty, tức là tỷ lệ lãi trước thuế so với doanh thu.
Ví dụ công ty A năm rồi có doanh thu 2 tỷ, lãi 200 triệu, biên lợi nhuận là 10%. Bản thân con số này cũng không nói lên gì nhiều nhưng nếu so sánh những công ty hoạt động trong cùng lãnh vực hay mức lãi của cùng công ty này trong những năm trước, ta có thể hình dung ra nhiều điều.
Nếu đa số công ty khác có tỷ lệ lãi từ 5-7%, có thể kết luận công ty A đang ăn nên làm ra. Nếu sang năm, tỷ lệ lãi của nó lên 11,5%, có thể nói công ty A đang củng cố vị trí của mình.
Nhưng nếu doanh thu tăng lên 4 tỷ mà tỷ lệ lãi giảm còn 9%, có thể A đang hy sinh lợi nhuận để tăng doanh số bằng cách giảm giá chẳng hạn. Nhưng nếu doanh thu giảm còn 1,8 tỷ và lãi trước thuế chỉ còn 90 triệu (tỷ lệ lãi là 5%) thì công ty A đang gặp rắc rối to.
Thứ đến là tỷ lệ vốn vay trên lợi nhuận (income gearing, hay income leverage). Giả thử công ty A lãi gộp là 240 triệu trong đó 40 triệu phải dành ra để trả lãi ngân hàng, một tỷ lệ 16,7%.
Tỷ lệ này rất đáng chú ý vì giả thử có một công ty khác có lãi gộp là 100 triệu và phải dành ra 50% (tức 50 triệu) để trả lãi vay. Nếu sang năm công ty này không vay mượn gì thêm mà lãi gộp tăng 50% lên 150 triệu thì lãi trước thuế tăng 100% lên 100 triệu.
Ngược lại, nếu lãi gộp giảm 50% còn 50 triệu thì lãi trước thuế bằng 0 vì làm ra bao nhiêu lãi phải trả ngân hàng hết.
Sau đó, nhà đầu tư chú ý đến một chỉ tiêu, có lẽ là quan trọng nhất – thu nhập tính trên cổ phần (earnings per share). Lợi nhuận sau thuế của công ty A giả thử là 130 triệu trên tổng số cổ phần của công ty là 40,000, tức mỗi cổ phần sẽ có thu nhập là 3.250 đồng.
Bản thân con số này cũng không nói lên gì nhiều nhưng đối chiếu so sánh với số thu nhập trên cổ phần trong nhiều năm, chúng ta sẽ thấy công ty đang làm ra nhiều thu nhập cho cổ đông hay không.
Chẳng hạn, năm qua, công ty A sát nhập với một công ty cổ phần khác, hoàn toàn giống nó. Nay lãi ròng của công ty mới tăng gấp đôi nhưng vì số cổ phần cũng tăng gấp đôi nên tỷ lệ thu nhập tính trên cổ phần vẫn là 3.250 đồng, không đổi.
Cổ tức tính trên mỗi cổ phần (divident per share) được tính bằng cách chia số tiền lãi dành ra để chia cho cổ đông với số cổ phần của công ty.
Cũng lấy công ty A làm ví dụ, mặc dù lãi sau thuế là 130 triệu, nhưng công ty quyết định đưa 90 triệu vào vốn mở rộng sản xuất kinh doanh và chỉ dành ra 40 triệu cổ tức để chia. Như thế với 40.000 cổ phần, tỷ lệ cổ tức trên cổ phần của công ty A năm nay là 1.000 đồng.
Đây là những con số của bản thân công ty. Tuy nhiên nếu nó tham gia thị trường chứng khoán, hay cổ phiếu của nó đang được nhiều người mua qua bán lại, còn phải chú ý đến một số chỉ số khác.
Giả thử cổ phiếu của công ty A hiện đang có giá là 30.000 đồng. Cổ tức được chia là 1.250 đồng như vậy tỷ suất lợi nhuận thu được là 4,2%. Tỷ lệ này thay đổi thường xuyên nếu giá cổ phiếu có lên có xuống hay thay đổi hàng năm khi cổ tức có tăng có giảm.
Dùng tỷ suất lợi nhuận để so sánh giữa công ty này với công ty khác thì không có ý nghĩa nhiều lắm. Vì trên lý thuyết, một công ty có tỷ suất lợi nhuận thấp là công ty đang phát triển mạnh vì dành lãi cho đầu tư phát triển.
Còn công ty có tỷ suất lợi nhuận cao là công ty khó lòng nâng lợi nhuận nhanh hoặc công ty có tiềm ẩn rủi ro. Trước mắt, người đầu tư có thể chấp nhận tỷ suất lợi nhuận thấp nếu họ trông chờ trong tương lai công ty sẽ lãi nhiều và chia cổ tức lớn. Như vậy giá cổ phiếu sẽ tăng nhanh trong thời gian tới.
Tuy nhiên, giả thử công ty nói trên dành ra không phải là 1.250 đồng mà chia cổ tức đến 2.500 đồng, thì lập tức tỷ suất lợi nhuận không chỉ là 4,2% nữa mà đã tăng lên 8,33%. Tuy vậy, đấy vẫn là một công ty chứ không ai khác.
P/E nhiêu là vừa?
Một chỉ số khác thường được nhắc đến khi cân nhắc giá cổ phiếu là P/E.
Vào những ngày cuối năm 2006, Giám đốc Trung tâm Giao dịch Chứng khoán TPHCM nhận xét: “Chỉ số P/E bình quân của các doanh nghiệp niêm yết trên thị trường chứng khoán Việt Nam hiện đang là 38,18 lần, so với mức trung bình của các thị trường khác, P/E chỉ dao động từ 10 đến 17 lần”. Sau tuyên bố này giá cổ phiếu giảm mạnh.
Vậy chỉ số P/E là gì, bao nhiêu là vừa? P/E (Price/Earnings Ratio) là hệ số giữa thị giá một cổ phiếu trên thu nhập của nó. Thông thường người ta dùng thu nhập của cổ phiếu trong bốn quý trước đó để tính.
Ý nghĩa đầu tiên của chỉ số này là biểu hiện mức giá nhà đầu tư sẵn sàng bỏ ra cho một đồng thu được từ cổ phiếu đó.Tuy nhiên, P/E thường phản ánh kỳ vọng của thị trường về sự tăng trưởng của cổ phiếu hơn là kết quả làm ăn đã qua.
Người ta so sánh P/E của các công ty cùng ngành; nếu chỉ số P/E của một công ty cao hơn mức bình quân, có nghĩa thị trường kỳ vọng công ty này sẽ ăn nên làm ra trong thời gian tới.
Công ty có chỉ số P/E cao chắc chắn phải có lợi nhuận tương lai cao như kỳ vọng, nếu không thị trường sẽ tự điều chỉnh, giá cổ phiếu giảm cho đúng với thực tế.
Một ví dụ điển hình là Microsoft. Cách đây nhiều năm khi Microsoft trên đường vươn lên ngôi bá chủ thị trường với những sản phẩm độc quyền, thị phần tăng vọt thì P/E của nó lên đến 100.
Nay khi Microsoft đã trở thành công ty hàng đầu, mức tăng trưởng khó lòng duy trì như xưa thì P/E giảm dần – tháng 6-2002 còn 43 và đến đầu năm 2007 xuống còn 23,69.Trong khi đó P/E của Google vẫn còn cao, đến 61,87.
Trên thị trường hiện có 2 lọa P/E: loại lấy thu nhập bốn quý trước đó (gọi là trailing P/E) và loại dự báo thu nhập bốn quý tiếp theo (gọi là forward P/E); với các công ty đã phát triển lên đỉnh điểm và củng cố vị thế thị trường, trở thành loại cổ phiếu “chất lượng cao” – blue chip.
Vì thế, thật khó nói P/E của một công ty là cao hay thấp nếu không tính đến hai yếu tố:
1) Công ty phát triển nhanh hay không: nếu chỉ tăng trưởng 5-7% mà P/E vẫn cao ngất ngưỡng, chứng tỏ giá cổ phiếu quá cao;
2) Chỉ số của ngành ra sao: so sánh P/E của 2 công ty cùng ngành
Ví dụ, P/E của các hãng hàng không hiện nay là 0 vì đa phần đang lỗ; của ngành xây dựng dân dụng chỉ là 5,7; của ngành sản xuất đồng là 8,7 nhưng của ngành sản xuất bạc lên đến 107,6 và của ngành dịch vụ nghiên cứu cao chót vót tận 687,1 (số liệu ở thị trường Mỹ, 1/2007).
Chỉ số P/E vì thế không phải là yếu tố duy nhất để quyết định mua hay không mua một loại cổ phiếu nào đó.
P/E thấp có thể vì công ty này sắp gặp khó khăn, cổ phiếu không ai mua; công ty có thể chế biến sổ sách để giảm P/E bằng cách nâng thu nhập của cổ phiếu; lạm phát cao cũng làm giảm chỉ số này.
P/E chỉ nên dùng để tham khảo sau khi đối chiếu với các công ty cùng ngành nghề và theo dõi xu hướng dài hạn dựa trên con số P/E trong một thời gian dài.
Biên Tập CLB