Do các khác biệt giữa chuẩn mực kế toán Việt Nam với chuẩn mực quốc và thực tế thực hiện tại các doanh nghiệp, EPS công bố chưa phản ánh đúng thực tế.
Từ năm 2001 đến cuối năm 2006, Bộ Tài chính đã ban hành gần 30 chuẩn mực kế toán Việt Nam (VAS) và các thông tư hướng dẫn.
Các VAS được dịch từ các chuẩn mực kế toán quốc tế (IAS), nhưng có sự sửa đổi, bổ sung, cắt bớt nên đôi khi nó làm mất đi tính nhất quán của toàn bộ hệ thống.
Sau đây là một số sai lệch và khiếm khuyết trong quy định và cách tính EPS công bố trên BCTC của các doanh nghiệp :
Không điều chỉnh giảm các khoản lãi không dành cho cổ đông phổ thông
Theo chuẩn mực số 30 - VAS 30, Thông tư số 21/2006/TT-BTC hướng dẫn VAS 30 và IAS 33, EPS cơ bản được tính bằng cách chia tổng lãi/lỗ thuần thuộc các cổ đông phổ thông cho số bình quân cổ phiếu phổ thông lưu hành trong kỳ.
Đối với tử số, chuẩn mực Việt Nam không đề cập đến việc điều chỉnh giảm các khoản lãi không dành cho cổ đông phổ thông như quỹ khen thưởng khách hàng, quỹ thưởng cho HĐQT, đặc biệt là quỹ khen thưởng, phúc lợi dành cho nhân viên.
Những khoản này, theo chuẩn mực quốc tế, được ghi nhận là các khoản chi phí để trừ ra khỏi lãi dành cho cổ đông. Thông thường, sau một năm hoạt động có lãi, các công ty dành khoảng 5 - 15% tổng số lãi thuần sau thuế để chi cho nhân viên dưới hình thức lập quỹ khen thưởng, phúc lợi.
Không trình bày EPS pha loãng (diluted EPS)
Các công ty có thể phát hành những cổ phiếu tiềm năng như trái phiếu chuyển đổi, cổ phiếu ưu đãi, các quyền mua mà nó sẽ chuyển đổi thành cổ phiếu phổ thông trong tương lai.
Khi đó, EPS của công ty sẽ thay đổi rất lớn do công ty tăng một lượng lớn cổ phiếu phổ thông nhưng không có thêm dòng tiền vào. Trong những hợp như vậy, nếu NĐT dùng EPS cơ bản để dự đoán EPS cho tương lai có thể sẽ dẫn đến những sai lầm.
Bởi vậy, IAS 33 yêu cầu bắt buộc báo cáo kết quả kinh doanh của các công ty phải trình bày cả hai chỉ tiêu EPS cơ bản và EPS pha loãng, nhưng chế độ kế toán Việt Nam không quy định vấn đề này.
EPS không điều chỉnh hồi tố hoặc điều chỉnh chưa đầy đủ
Thông tư 21 quy định, trong trường hợp gộp, chia tách và thưởng cổ phiếu mà không có bất cứ sự tăng, giảm về dòng tiền hay tài sản và nguồn vốn của công ty, thì cổ phiếu gộp, chia tách, thưởng mặc dù phát sinh bất cứ thời điểm nào trong kỳ cũng phải được tính vào ngày đầu tiên của năm báo cáo.
Và cũng sẽ điều chỉnh tương ứng cho số cổ phiếu của những năm trước để có tính so sánh giữa các năm.
Thực tế, trong BCTC của các công ty niêm yết, hầu hết đều chưa thực hiện việc điều chỉnh này, làm các NĐT rất khó khăn để có được thông tin chính xác về EPS.
Trường hợp phát hành quyền mua cổ phiếu mới cho cổ đông hiện hữu với giá thấp hơn giá thị trường, EPS cũng cần phải được điều chỉnh lại, do ở đây đã bao gồm yếu tố thưởng.
Khi phân tích tăng trưởng EPS các năm, NĐT nên so sánh EPS đã điều chỉnh, chứ không so sánh EPS gốc.
Ngoài ra, mặc dù Thông tư 21 không đề cập đến việc chia cổ tức bằng cổ phiếu, nhưng bản chất của việc này giống như thưởng cổ phiếu, điều này được ghi rất rõ trong IAS 33. Chế độ kế toán Việt Nam nên bổ sung vấn đề này.
Biên Tập CLB