Trong phân tích cơ bản (Fundamental Analysis), bên cạnh các chỉ tiêu tài chính trong báo cáo tài chính (BCTC) như lợi nhuận sau thuế, ROA, ROE…, chỉ số hàng tồn kho mang một ý nghĩa nhất định.
Hàng tồn kho có thể là hàng hoá không bán được, gây thiệt hại cho DN, hay là nguyên vật liệu (đang chờ gia công thành thành phẩm hoặc sản phẩm đang chờ đến hạn thực hiện hợp đồng), hứa hẹn thành khoản lợi nhuận không nhỏ cho DN.
Nên khi đọc BCTC, nhìn vào giá trị hàng tồn kho, nếu không hiểu rõ tường tận hoạt động của DN, NĐT sẽ không khỏi mắc phải sai lầm trong quá trình ra quyết định đầu tư, thay vì nắm giữ, mua vào cổ phiếu thì lại bán ra và ngược lại.
Nhiều chưa chắc đã xấu
Tỷ trọng hàng tồn kho lớn luôn là mối quan ngại ít nhiều với NĐT, do tính chất tồn lâu, chôn vốn, chi phí phát sinh thêm của nó. Nhưng cũng không thể nói mọi số dư về hàng tồn kho trong BCTC đều là tiêu cực đối với tương lai của DN.
Nhằm dự phòng tổn thất do giá vật tư, thành phẩm, hàng hoá tồn kho bị giảm giá, DN đã phải trích lập dự phòng giảm giá hàng tồn kho theo quy định của Thông tư 13/2006/TT-BTC. Việc này giúp DN có nguồn tài chính để bù đắp tổn thất, song do được tính vào chi phí, ảnh hưởng đến lợi nhuận của DN nên không ít NĐT "dị ứng" với chỉ tiêu này.
Mặc dù vậy, ông Hoàng Thạch Lân, Trưởng phòng Phân tích CTCK Doanh nghiệp nhỏ và vừa (SMES) Chi nhánh TP. HCM cho rằng, do chỉ tiêu hàng tồn kho mang đậm tính chất ngành nghề kinh doanh (dược phẩm, thực phẩm, máy móc, điện tử…) nên không phải cứ mức tồn kho thấp là tốt, mức tồn kho cao là xấu.
"Khi phân tích, đánh giá chỉ tiêu hàng tồn kho, NĐT nên tính đến các yếu tố có khả năng ảnh hưởng lớn đến kế hoạch quản lý hàng tồn kho của DN như tính chất mùa vụ, các dịp lễ tết, sự kiện sắp diễn ra trong năm liên quan đến sản phẩm của DN",
Ông Lân đánh giá và chứng minh rằng, trước mỗi dịp lễ tết, các công ty sản xuất bánh kẹo như Hải Hà, Kinh Đô… thường chuẩn bị nguyên liệu nhiều hơn, trong trường hợp này, hàng tồn kho hoàn toàn phục vụ cho khả năng tiêu dùng trước mắt, hứa hẹn tăng doanh thu cũng như lợi nhuận cho DN.
Điều này cũng được ông Nguyễn Lương Tân, Phó trưởng Phòng Phân tích CTCK Bảo Việt (BVSC) chia sẻ khi cho rằng, DN hoạt động trong lĩnh vực sản xuất, thương mại trong chiến lược dự trữ hàng hoá của mình thường duy trì hàng tồn kho ở một mức độ nhất định, nhằm đảm bảo nguyên vật liệu cho sản xuất, đảm bảo nguồn hàng trong lưu thông.
"Nếu DN đó ký được hợp đồng lớn thì không có cớ gì trong kho lại không có hàng tồn. DN phải dự trữ hàng để đảm bảo cho đến khi hợp đồng đó được thực hiện, đảm bảo an toàn trong việc cung ứng sản phẩm", ông Tân nói.
Ngoài ra, cũng không ngoại trừ trường hợp DN đón đầu tình trạng khan hiếm hay tăng giá của sản phẩm, hàng hoá mà mình đang nắm quyền chi phối để "găm hàng", chuẩn bị cho chiến dịch tung ra sản phẩm khi cần thiết. Như vậy, hàng tồn kho bỗng trở thành khoản lợi nhuận đang chờ ngày thanh toán của DN.
Để hiểu, cách nào?
Ngoài việc đọc BCTC, NĐT nên nhìn kỹ hơn vào bản thuyết minh BCTC để thấy rõ mức hàng tồn kho ở đây là thế nào. Tuy nhiên, nếu BCTC quý chỉ ở dạng báo cáo tóm tắt theo quy định hiện nay, không có phần thuyết minh thì NĐT khó có thể hình dung.
Một điều được ông Tân lưu ý là do BCTC quý được tiến hành tại một thời điểm, nên để biết được tỷ trọng hàng tồn kho cũng như chính sách dự trữ hàng tồn kho của DN.
NĐT nên tính số hàng tồn kho bình quân trong năm (bình quân theo quý, chi tiết hơn là theo tháng), chứ không nên căn cứ vào con số tại một thời điểm báo cáo theo quý.
"Hàng tồn kho phụ thuộc vào đặc tính của từng DN. NĐT cũng nên tính chỉ số hàng tồn kho/doanh thu để xem mức độ biến động như thế nào, có gây ảnh hưởng đến tình hình sản xuất của DN không. Nếu chỉ nhìn con số tại một thời điểm thì rất khó đánh giá DN một cách toàn diện", ông Tân cho biết.
Ngoài ra, cũng nên so sánh con số này với chỉ tiêu bình quân ngành về hàng tồn kho, cũng như tính đến khả năng sản phẩm bị thay thế trên thị trường.
Chỉ tiêu hàng tồn kho cần được xem xét, đánh giá bên cạnh các chỉ tiêu khác như lợi nhuận, doanh thu, vòng quay của dòng tiền… cũng như nên được đặt trong điều kiện kinh tế vĩ mô. "Cũng giống như con người, nếu khám 'sức khoẻ' cho DN thì nên xem xét tất cả các yếu tố để đưa ra chẩn đoán chính xác.
Theo ông Tân, cũng có một số DN niêm yết mà chỉ số hàng tồn kho không quá quan trọng như các DN ngành điện: CTCP Thuỷ điện Vĩnh Sơn Sông Hinh (VSH) hay CTCP Nhiệt điện Phả Lại (PPC)… với đặc trưng là sản xuất ra điện và nhiệt điện, thậm chí có DN không sử dụng nguyên liệu đầu vào, mà chỉ dùng sức nước (như VSH) nên hàng tồn kho ở đây chỉ là bao gồm vật tư, thiết bị dự phòng … để thay thế khi gặp sự cố.
Mặc dù vậy, giới phân tích đều cho rằng, đây là chỉ tiêu khó đánh giá khi xét về khía cạnh đầu tư thì hàng tồn kho là chỉ tiêu thuộc nhóm rủi ro (nghĩa là có khả năng gây ra rủi ro cho DN) nhưng NĐT thường khó khăn trong việc có được số liệu đầy đủ, chính xác từ DN cũng như từ phía cơ quan quản lý các con số.
Nếu chỉ nhìn trên Bảng cân đối kế toán, NĐT có thể tính được chỉ tiêu vòng quay hàng tồn kho, rồi so sánh với bình quân ngành hay với một công ty đầu ngành, song để đánh giá chỉ tiêu này một cách chính xác, tường tận để có thể đưa ra một quyết định đầu tư đúng đắn là điều không hề dễ dàng.
Biên Tập CLB