Trước Kinh Đô, Đô Thị Sài Đồng (SDI) giữ kỷ lục về tỷ lệ cổ tức với 118,75% bằng tiền mặt.
- Khi doanh nghiệp "bỗng dưng" có khoản tiền dồi dào, họ thường nghĩ đến cổ đông bằng việc chia cổ tức khủng.
- Việc chia cổ tức mạnh tay chưa chắc đã làm cổ đông hài lòng, vì những băn khoăn cho sự phát triển về lâu dài của doanh nghiệp.
Ngày 27/1/2015, thị trường bất ngờ đón nhận tin Kinh Đô (KDC) dự kiến chi cổ tức khủng cho cổ đông với tỷ lệ 200% bằng tiền mặt. Việc chi trả cổ tức này nếu được thông qua, mọi kỷ lục về cổ tức trước đó đều bị phá vỡ.
Nhìn lại những sự kiện chi cổ tức khủng, rút ra không ít điều thú vị.
Có tiền thì...chia
Việc chia cổ tức của Kinh Đô bắt nguồn từ khoản tiền khổng lồ sau thương vụ bán 80% cổ phần tại Kinh Đô Bình Dương cho đối tác ngoại. Tất nhiên, theo trả lời của đại diện Kinh Đô tại ĐHCĐ bất thường hồi tháng 12 năm ngoái, đến cuối quý 2/2015, Kinh Đô mới hoàn tất chuyển nhượng mảng bánh kẹo cho Mondelẽz. Bắt đầu từ quý 3/2015, công ty sẽ ghi nhận doanh thu/lợi nhuận mảng bánh kẹo theo tỷ lệ sở hữu 20%.
Trước đó, cổ đông KDC đã bán 20 triệu cổ phiếu cho KDC gom về làm cổ phiếu quỹ. Mua 20 triệu cổ phiếu quỹ nằm trong kế hoạch mua tổng cộng 75,5 triệu cổ phiếu quỹ mà ĐHCĐ bất thường đã thông qua. Đây cũng là một cách "trả công" cho cổ đông công ty đã nắm giữ cổ phiếu trong thời gian qua.
Có vẻ như KDC đã dùng tiền để “tiêu xài” tương đối mạnh tay.
Tương tự với KDC, Thủy sản Minh Phú sau kết quả kinh doanh khởi sắc năm 2014, việc mua lại cổ phiếu quỹ mở đường hủy niêm yết của công ty trở nên khó khăn hơn khi cổ đông không muốn bán. Cực chẳng đã, Thủy sản Minh Phú đã nới giá trần mua cổ phiếu quỹ từ 40.000 đồng lên 100.000 đồng/cổ phiếu. Nên nhớ, quyết định được đưa ra khi cổ phiếu MPC sau một thời gian dài miệt mài tăng trần, cũng chỉ ở quanh mức 60.000 đồng/cổ phiếu.
Tuy nhiên, cổ đông MPC có vẻ không "dễ dãi" như của KDC. Nếu như KDC nhanh chóng mua được 20 triệu cổ phiếu quỹ, thì MPC chỉ mua được chưa đến 540 nghìn cổ phiếu quỹ trong khi công ty này đăng ký mua vào 1,62 triệu đơn vị.
Trước đó, Minh Phú cũng bất ngờ ra quyết định chia cổ tức tỷ lệ 50% cho cổ đông trong 6 tháng cuối năm 2014. Gọi là bất ngờ, vì ngay trong ĐHCĐ thường niên 2014 trước đó, sau khi cổ đông nhỏ lên tiếng, HĐQT mới thông qua việc chia cổ tức với tỷ lệ vỏn vẹn 15%.
Trước Kinh Đô, Đô Thị Sài Đồng (SDI) giữ kỷ lục về tỷ lệ cổ tức với 118,75% bằng tiền mặt. Tuy nhiên, đây là tỷ lệ cổ tức cho năm 2012 và 2013, với nguồn chia cổ tức lấy từ khoản mục LNST chưa phân phối cuối năm 2013.
Có thể kể đến Gilimex (GIL) với tỷ lệ cổ tức 100% cho năm 2014 và “trả nốt” cổ tức năm 2013, Cảng Đoạn Xá với tỷ lệ cổ tức 70% bằng tiền mặt năm 2012, Nội Bài Cargo với cổ tức tiền mặt 67% năm 2014…
Nỗi lo đằng sau cổ tức khủng
Không phải bao giờ cổ tức cũng đi liền với niềm phấn khởi của cổ đông. Cảng Đoạn Xá là một ví dụ. Một nhà đầu tư cá nhân trăn trở, nếu công ty cứ “lãi bao nhiêu chia bấy nhiêu” thì tiềm năng về lâu dài sẽ đến đâu khi công ty không dành tiền để đầu tư. Kết quả kinh doanh từ năm 2013 đến nay của Cảng Đoạn Xá có vẻ củng cố cho nỗi lo đó của nhà đầu tư…
Với Kinh Đô, đón nhận tin chia cổ tức khủng, cổ phiếu KDC tăng kịch trần với khối lượng giao dịch kỷ lục. Thế nhưng, không ít nhà đầu tư để ý, trong 3 tháng gần đây, cổ phiếu KDC giảm giá rõ rệt sau khi công ty này công bố thương vụ bán Kinh Đô Bình Dương cho Mondelẽz. Bên cạnh đó, một số cổ đông nội bộ, cổ đông lớn của KDC liên tục đăng ký và bán ra cổ phiếu KDC. Thậm chí, sau khi tin dự chi cổ tức được công bố, Phó Tổng giám đốc KDC cũng đăng ký bán 60 nghìn cổ phiếu, đồng nghĩa với việc ông Nguyễn Xuân Luân tình nguyện “từ bỏ” 1,2 tỷ đồng cổ tức nếu giao dịch được tiến hành nhanh chóng.
Điều gì khiến một cổ đông không muốn nắm giữ cổ phiếu? Hãy hỏi các nhà đầu tư về kỳ vọng của họ.