Những biến động điều chỉnh cuối tuần đã làm nổi bật hai luồn quan điểm khác nhau về triển vọng ngắn hạn của thị trường...
Những biến động điều chỉnh cuối tuần đã làm nổi bật hai luồn quan điểm khác nhau về triển vọng ngắn hạn của thị trường.
Tuần trước, các chuyên gia mà VnEconomy phỏng vấn đã đưa ra những phân tích khá chính xác về biến động tăng ngắn hạn. Tuy nhiên, khi thị trường đã đạt được mục tiêu đó, tâm lý lạc quan và thận trọng bắt đầu dẫn đến sự phân hóa trong phân tích và hành động.
Quan điểm lạc quan đánh giá cơ hội tăng tiếp của thị trường còn lớn do cổ phiếu đang phân hóa. Nhìn từ góc độ chỉ số, có thể thị trường chững lại 1- 2 phiên nhưng nhịp tăng được nhìn nhận là chưa chấm dứt.
Quan điểm thận trọng hơn cho rằng hai nhóm cổ phiếu dẫn dắt là dầu khí và ngân hàng có khả năng suy yếu, đồng thời dòng vốn ngoại có thể đối diện rủi ro giảm mua.
Nhìn chung quan điểm lạc quan vẫn chiếm ưu thế với những căn cứ được tin tưởng rộng rãi như dòng vốn ngoại đang mạnh, các cổ phiếu có thể phân hóa tăng với mức độ cao hơn chỉ số.
Phù hợp với các phân tích, hoạt động giảm tỷ trọng cổ phiếu khá mạnh đã diễn ra với những quan điểm thận trọng. Tuy nhiên những chuyên gia còn lại vẫn đang giữ nguyên hoặc tăng tỷ trọng với kỳ vọng cao hơn trong tuần tới.
Nguyễn Hoàng
Tuần trước đa số anh chị dự đoán cơ hội tăng của VN-Index đến 560-570 điểm và mốc đó đã đạt được trong tuần này khi chỉ số có dấu hiệu yếu đi trong phiên cuối tuần. Liệu nhịp tăng này đã chấm dứt, hay chỉ là một nhịp nghỉ để tăng tiếp? Có căn cứ nào để nuôi dưỡng kỳ vọng thị trường sẽ tiếp tục đi lên?
Ông Trần Hữu Phúc - Trưởng phòng Môi giới Hội sở chính, Chứng khoán VCBS
Tôi nhìn nhận thị trường tiếp cận với ngưỡng kháng cự Fibonnaci 38.2% tương đương với VNindex ở 570 điểm, đây là ngưỡng kháng cự cần ít nhất 1-2 phiên giao dịch cùng động lực tăng trưởng của bluechips mới giúp VNindex bứt phá được ngưỡng kháng cự này.
Chúng tôi đánh giá nhịp tăng chưa chấm dứt thị trường điều chỉnh 1-2 phiên để lấp “Gap” và sau đó sẽ tiếp tục chuyển biến tích cực trong tuần sau. Việc các nhà đầu tư nước ngoài tăng cường mua ròng đã khiến thị trường có nền tảng vững chắc hơn và động lực tăng điểm tốt hơn.
Bà Hồ Huyền - Trưởng phòng Tư vấn đầu tư, Chứng khoán VNDS
Theo tôi khả năng tăng tiếp còn rất lớn, bởi thị trường hiện rất phân hóa, nhịp đi của các cổ phiếu không giống nhau.
Tôi vẫn giữ kỳ vọng như chia sẻ từ tuần trước, mức tăng trung bình của các cổ phiếu khoảng 15-20%, tương ứng với VN-Index có thể đạt 585 điểm. Thị trường tuần tới nhiều khả năng sẽ xuất hiện phiên đồng thuận tăng.
Ông Phạm Thiên Quang - Trưởng bộ phận Equity Research - Chứng khoán MBS
Các cổ phiếu thuộc nhóm dẫn dắt và đóng góp lớn vào đợt tăng vừa rồi đã bắt đầu điều chỉnh (dầu khí) hoặc vào vùng quá mua (một số cổ phiếu nhóm top banks).
Ngoài ra rủi ro thị trường chứng khoán toàn cầu với phiên cuối tuần giảm mạnh, nếu tiếp diễn có thể tác động khiến khối ngoại dừng mua ròng. Do vậy, tôi thiên về hướng thị trường sẽ quay đầu điều chỉnh và giảm dần.
Ông Lê Đức Khánh - Kinh tế trưởng kiêm Giám đốc Chiến lược đầu tư, Chứng khoán MSBS
Thời gian qua thị trường đã xuất hiện sóng hồi nhẹ. Chỉ số VN-Index đã tăng điểm từ vùng đáy 535 - 540 điểm và đã chạm vùng kháng cự mạnh 570 - 575 điểm.
Hai phiên giao dịch cuối tuần, nhất là phiên giao dịch thứ 6 đã phát đi tín hiệu điều chỉnh của thị trường với tín hiệu “Evening doji star”. Cụ thể hơn, một vài phiên giao dịch đầu tuần tới sẽ là các phiên điều chỉnh giảm và mức giảm sâu nhất của VN-Index có thể giảm về quanh ngưỡng hỗ trợ 560 điểm.
Sẽ là quá sớm để có thể dự báo thị trường sẽ tiếp tục tăng tiếp sau đó bởi tôi cần phải theo dõi thêm thanh khoản của các phiên điều chỉnh đầu tuần tới. Tin tức vĩ mô hỗ trợ, nhóm cổ phiếu ngân hàng và dầu khí dẫn dắt cũng như động thái mua ròng trở lại của các quỹ ETFs, khối ngoại sẽ là động lực chính tác động đến xu hướng tăng điểm tiếp tục của thị trường nếu điều đó xẩy ra.
Ông Trần Xuân Bách - Bộ phận Chiến lược thị trường, Chứng khoán Bảo Việt
Tôi cho rằng, sau khi phát đi những dấu hiệu suy yếu khi gặp phải áp lực chốt lời lớn tại vùng kháng cự 570-575 điểm trong những phiên cuối tuần qua, VN-Index có thể sẽ bước vào nhịp điều chỉnh nhẹ với diễn biến giằng co, phân hóa giữa các nhóm cổ phiếu trong những phiên đầu tuần tới trước khi hồi phục tăng điểm trở lại về cuối tuần.
Việc khối ngoại được kỳ vọng sẽ tiếp tục đẩy mạnh hoạt động mua ròng tại nhóm cổ phiếu ngân hàng và các cổ phiếu vốn hóa lớn trong tuần tới có thể sẽ tạo tác động tích cực lên chỉ số, đồng thời giúp tâm lý nhà đầu tư lạc quan, tin tưởng hơn vào xu hướng hồi phục của thị trường trong ngắn hạn. Điều này được kỳ vọng sẽ là yếu tố hỗ trợ tích cực giúp thị trường tiếp tục duy trì đà tăng điểm trong ngắn hạn.
Nguyễn Hoàng
Liên tục các đại hội cổ đông đang diễn ra. Anh chị đánh giá kế hoạch kinh doanh năm cũng như con số ước tính quý 1 của các doanh nghiệp như thế nào, đâu là những yếu tố khiến doanh nghiệp lo ngại nhất có ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh 2015?
Ông Trần Hữu Phúc - Trưởng phòng Môi giới Hội sở chính, Chứng khoán VCBS
Chúng tôi thấy nhiều nét khả quan ở nhóm ngành bất động sản khi nhiều doanh nghiệp mạnh dạn đặt kết hoạch kinh doanh tăng trưởng mạnh (trên 100% so với năm ngoái). Hoàn toàn có thể nhóm các doanh nghiệp bất động sản đạt kết quả kinh doanh khả quan khi thị trường bất động sản “ấm” trở lại đặc biệt là ở Hà Nội.
Yếu tố lo ngại nhất của cả nền kinh tế cũng như của các doanh nghiệp là sự chững lại của tổng cầu trong nền kinh tế.
Ông Phạm Thiên Quang - Trưởng bộ phận Equity Research - Chứng khoán MBS
Với kết quả kinh doanh quý 1/2015, tôi nhận thấy đa đa số các công ty báo cáo sớm kết quả kinh doanh quý 1 đều có lợi nhuận khả quan so với cùng kỳ. Tuy nhiên số liệu cũng cho thấy quý 1 mới chỉ là quý khởi động và không chiếm tỷ trọng lớn trong tổng kế hoạch doanh thu, lợi nhuận cả năm của các doanh nghiệp.
Với kế hoạch kinh doanh năm 2015, nhóm doanh nghiệp có “gốc Nhà nước” vẫn đặt kế hoạch thận trọng như thường lệ, và thường các doanh nghiệp này có khả năng đạt hoặc vượt kế hoạch đề ra.
Một số doanh nghiệp, đặc biệt doanh nghiệp bất động sản, đề ra kế hoạch rất tham vọng trong năm 2015. Tuy nhiên, đi kèm với kế hoạch kinh doanh tham vọng là kế hoạch tăng vốn lớn. Khả năng hoàn thành kế hoạch của các doanh nghiệp này còn phụ thuộc vào tình hình thị trường và kế hoạch tăng vốn thành công hay không.
Bà Hồ Huyền - Trưởng phòng Tư vấn đầu tư, Chứng khoán VNDS
Trong 2 năm trước, chúng ta có thể lạc quan về tình hình kinh doanh, bởi đó là giai đoạn vừa vượt qua khủng hoảng, sự khác biệt giữa khủng hoảng và phục hồi rất rõ rệt, rất dễ nhận ra.
Tuy nhiên, đến năm nay tôi cho rằng sự đột biến ít có khả năng xảy ra. Vấn đề của hầu hết các doanh nghiệp vẫn là cầu yếu. Thêm vào đó, việc đồng USD tăng giá cũng sẽ tác động không nhỏ đến kinh tế toàn cầu nói chung và Việt Nam nói riêng.
Ông Trần Xuân Bách - Bộ phận Chiến lược thị trường, Chứng khoán Bảo Việt
Theo quan sát cá nhân, tôi nhận thấy kế hoạch kinh doanh năm cũng như con số ước tính quý 1 của các doanh nghiệp đưa ra khá phân hóa dưới sự tác động của các yếu tố vĩ mô, cũng như biến động của giá nguyên liệu đầu vào, đầu ra. Nhưng nhìn chung, các doanh nghiệp đều đưa ra kế hoạch kinh doanh tương đối thận trọng và không có nhiều đột biến so với năm 2014 cũng như so với tình hình thực tế của các doanh nghiệp.
Tôi cho rằng có 3 yếu tố khiến doanh nghiệp lo ngại nhất có ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh 2015. Đầu tiên là biến động của giá dầu thế giới sẽ tiếp tục có tác động đến giá nguyên liệu đầu ra, đầu vào của các doanh nghiệp liên quan như vận tải, săm lốp, nhựa, hóa chất, bao bì…
Thứ 2 là các chính sách liên quan đến thị trường bất động sản như thông tư 32 của Ngân hàng Nhà nước về việc thúc đẩy giải ngân gói hỗ trợ trị giá 30.000 tỷ VND cùng với Luật Nhà ở sửa đổi áp dụng vào 1/7/2015 với những điều khoản nới lỏng điều kiện mua nhà cho người nước ngoài…
Cuối cùng là vấn đề biến động tỷ giá sẽ tác động đến các doanh nghiệp thuộc lĩnh vực xuất nhập khẩu hoặc các doanh nghiệp vay nợ bằng ngoại tệ.
Ông Lê Đức Khánh - Kinh tế trưởng kiêm Giám đốc Chiến lược đầu tư, Chứng khoán MSBS
Nhiều thông tin tích cực cũng như tiêu cực mà các doanh nghiệp niêm yết cũng đã được công bố qua các cuộc họp đại hội cổ đông vừa qua. Mặc dù với nhận định tình hình vĩ mô có sự chuyển biến nhưng kế hoạch đạt ra của các công ty nói chung là khá khiêm tốn.
Nói chung kết quả kinh doanh quý 1 của các doanh nghiệp là tốt và việc đặt kế hoạch năm thấp cũng xuất phát từ việc đánh giá tình hình chuyển biến vĩ mô chậm, tiến độ giải ngân các dự án chưa nhanh, các chính sách vĩ mô của Chính phủ chưa kịp thời mang lại hiệu quả đột biến, các ngân hàng ngân hàng thương mại cũng bị ảnh hưởng bởi Thông tư 36 của Ngân hàng Nhà nước, biến động về tỷ giá…
Nguyễn Hoàng
Dòng vốn nước ngoài trong tuần này đã mua vào trở lại với mức độ lớn. Quỹ VNM đang đạt mức premium cực lớn và huy động được thêm vốn. Có thể kỳ vọng vào sức nâng đỡ của dòng vốn này trong xu hướng ngắn hạn hiện tại hay không?
Bà Hồ Huyền - Trưởng phòng Tư vấn đầu tư, Chứng khoán VNDS
Tôi vẫn kỳ vọng vào dòng vốn ngoại sẽ nâng đỡ thị trường tuần tới. Tuy nhiên, các quỹ ETF chỉ giải ngân vào 1 số mã chọn lọc, đặc biệt là các mã vốn hóa lớn, nên rất có thể Vn-Index tăng mạnh nhưng tài khoản của hầu hết nhà đầu tư không tăng nhiều.
Ông Trần Hữu Phúc - Trưởng phòng Môi giới Hội sở chính, Chứng khoán VCBS
Chúng tôi đặt niềm tin là các nhà đầu tư nước ngoài sẽ tiếp tục giải ngân mua ròng trong tuần sau và điều này sẽ là nét tích cực của toàn bộ thị trường chung. Đối với từng nhóm cổ phiếu trên thị trường việc chững lại của chỉ số VNindex hoàn toàn có thể là cơ hội tăng điểm của những cổ phiếu penny có một vài phiên tăng điểm ấn tượng.
Ông Lê Đức Khánh - Kinh tế trưởng kiêm Giám đốc Chiến lược đầu tư, Chứng khoán MSBS
Tôi hoàn toàn đồng ý với quan điểm trên. Các quỹ ETFs đang có xu hướng mua ròng trở lại và đây là tin tức tốt hỗ trợ thị trường trong ngắn hạn.
Ông Trần Xuân Bách - Bộ phận Chiến lược thị trường, Chứng khoán Bảo Việt
Tôi cho rằng có thể kỳ vọng dòng vốn ngoại sẽ tiếp tục được bơm vào thị trường trong ngắn hạn khi mà các quỹ ETFs vẫn đang có mức premium lớn và đạt được trạng thái khá tốt trong thời gian gần đây.
Thêm vào đó, việc Fed vẫn đang cam kết chưa nâng lãi suất ngay trong tháng 4 mà sẽ lùi thời điểm xuống tháng 9 hoặc xa hơn khiến cho áp lực từ đồng USD có phần hạ nhiệt và góp phần khiến các nhà đầu tư nước ngoài quay trở lại thị trường.
Ông Phạm Thiên Quang - Trưởng bộ phận Equity Research - Chứng khoán MBS
Tôi cho rằng không nên kỳ vọng quá lớn vào sức nâng đỡ của dòng vốn nước ngoài trong năm nay. Thị trường chứng khoán thế giới phiên cuối tuần giảm rất mạnh, có thể báo hiệu một giai đoạn mới biến động (volatility) lớn hơn và rủi ro giảm của thị trường thế giới có thể khiến dòng vốn ngoại nhanh chóng đảo chiều.
Chúng ta nên chuẩn bị cho kịch bản xảy ra rủi ro của thị trường chứng khoán thế giới năm nay. Sau hơn 6 năm liên tục tăng điểm với sự trợ giúp của các gói QE, việc Fed tăng lãi suất trong năm nay hoàn toàn có thể dẫn đến chấm dứt chu kỳ “uptrend” (xu thế tăng dài hạn) của thị trường chứng khoán thế giới.
Nguyễn Hoàng - VnEconomy
“Kịch bản đẹp” của anh chị đã thành hiện thực. Vậy chiến lược bán ra có được thực hiện? Mức độ phân bổ vốn hiện tại là bao nhiêu?
Ông Trần Xuân Bách - Bộ phận Chiến lược thị trường, Chứng khoán Bảo Việt
Tuần qua, tôi tiếp tục thực hiện chiến lược trading quay vòng cho phần danh mục ngắn hạn, đồng thời giảm tỷ trọng danh mục tổng về lại mức cân bằng 50% cổ phiếu (trong đó danh mục trung hạn vẫn được duy trì ở mức 30% cổ phiếu). Phần danh mục ngắn hạn của tôi vẫn tập trung chủ yếu vào các mã bất động sản tầm trung.
Tuần tới, tôi dự định sẽ thực hiện nâng tỷ trọng cổ phiếu cho phần danh mục ngắn hạn trong những phiên thị trường điều chỉnh. Bên cạnh nhóm cổ phiếu bất động sản thì nhóm cổ phiếu dầu khí có thể sẽ hấp dẫn tôi trong tuần tới nếu có tín hiệu điều chỉnh tích cực theo hệ thống riêng của mình.
Ông Lê Đức Khánh - Kinh tế trưởng kiêm Giám đốc Chiến lược đầu tư, Chứng khoán MSBS
Do việc xuất hiện các tín hiệu điều chỉnh của thị trường trong các phiên cuối tuần qua và cũng khó lường được quá trình điều chỉnh dài hay ngắn do vậy tôi đã thực hiện việc bán ra và giảm tỷ trọng cổ phiếu trong danh mục xuống.
Tỷ lệ cổ phiếu/tiền mặt hiện nay của tôi chỉ còn là 30%/70%. Tôi chỉ có thể nghĩ giải ngân thêm trở lại bắt đầu từ phiên thứ 4 tuần tới nếu xu hướng thị trường ủng hộ.
Ông Phạm Thiên Quang - Trưởng bộ phận Equity Research - Chứng khoán MBS
Tôi đã tận dụng nhịp tăng mạnh của thị trường để bán và tiếp tục hạ tỷ trọng cổ phiếu/tiền mặt xuống còn 20/80.
Ông Trần Hữu Phúc - Trưởng phòng Môi giới Hội sở chính, Chứng khoán VCBS
Chúng tôi kiên nhẫn chờ một nhịp chốt lời ở mức VN-Index cao hơn và danh mục có tăng trưởng NAV tốt hơn. Chúng tôi mạnh dạn đưa ra quan điểm tăng tỷ trọng cổ phiếu để trading T+ trong các phiên điều chỉnh của của VN-Index quanh ngưỡng 570 điểm.
Bà Hồ Huyền - Trưởng phòng Tư vấn đầu tư, Chứng khoán VNDS
Tôi vẫn giữ 70% cổ phiếu như tuần trước. Với lợi thế hàng về sẵn tài khoản, tôi có thể sẽ giải ngân thêm trong tuần tới.