Gửi tiết kiệm vẫn được nhiều người lựa chọn
Các dự báo đưa ra, nhiều khả năng Quỹ Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sớm tăng lãi suất trong thời gian tới, tác động tích cực lên sức khỏe của đồng USD. Xu hướng đó đã bắt đầu khi nhìn vào một số đồng tiền trong khu vực như đồng baht Thái hoặc peso cũng đã bắt đầu có sự giảm giá, ngay cả đồng Việt Nam cũng có xu hướng này. Chính vì thế, NHNN đã chính thức điều chỉnh tăng thêm 1% biên độ tỷ giá USD/VND trong ngày 6/1/2015.
Sự hồi phục của sức khỏe đồng USD cùng với giá dầu giảm là yếu tố tác động làm cho giá vàng mất sự hỗ trợ. Giá vàng đã liên tục giảm trong những ngày cuối năm và đang nằm ở vùng giá khá thấp, xoay quanh 1.200 USD/ounce. Khả năng giá vàng sẽ giảm tới đâu và liệu có xuyên thủng đáy 1.000 USD/ounce hay không, theo giới kinh doanh vàng, chưa có cơ sở để dự báo, mà tùy theo cơ cấu danh mục của giới đầu tư.
Trong khi đó, bất động sản, chứng khoán dù đã giảm xuống mức khá thấp, nhưng thị trường vẫn trầm lắng, chưa thể kỳ vọng sớm tăng trở lại. Riêng với kênh đầu tư chứng khoán hiện thu hút nhiều nhà đầu tư, nhưng đây chưa phải là kênh thu hút số đông người có tiền tích lũy. So với kênh gửi tiết kiệm thì rõ ràng chứng khoán, bất động sản có độ rủi ro cao hơn.
Tuy nhiên, theo ông Oh Kyung Hee, Tổng giám đốc CTCK KIS Việt Nam, điều này được bù đắp bởi tỷ suất lợi nhuận tốt hơn, nhất là khi trần lãi suất tiết kiệm còn 5,5%/năm. Nhưng rủi ro khi bỏ tiền vào chứng khoán cũng sẽ cao hơn so với gửi tiết kiệm ngân hàng, nhất là khi thị trường chưa thực sự ổn định và tăng trở lại. Tâm lý nhà đầu tư vẫn bị ảnh hưởng bởi các thông tin về kinh tế vĩ mô và xu hướng thị trường.
Trong khi đó, đánh giá được đưa ra từ TS. Trần Du Lịch, Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia, thị trường bất động sản Việt Nam đã méo mó quá nặng trong một thời gian dài, bong bóng nhà đất phình to khi giá bất động sản được đẩy lên khá cao trong nhiều năm. Vì thế, thị trường bất động sản khó có thể kỳ vọng tan băng trong thời gian ngắn, mà ít nhất mất khoảng 2 - 3 năm nữa mới có thể hồi phục. Còn với kênh đầu tư chứng khoán, cũng khá mạo hiểm cho nhà đầu tư, nhất là với nhà đầu tư nhỏ lẻ trước tình hình hiện nay. Vì thế, theo TS. Lịch, tiết kiệm vẫn sẽ là kênh được nhiều người lựa chọn khi lạm phát xuống thấp.
Lãi suất tiết kiệm vẫn thực dương
Lãi suất tiền gửi tiết kiệm tại các ngân hàng đã giảm sâu ngay sau khi Ngân hàng Nhà nước điều chỉnh trần lãi suất huy động kỳ hạn dưới 6 tháng về 5,5%/năm vào cuối năm 2014. Điều này cũng khiến người dân băn khoăn trong việc tìm kênh sinh lời cho đồng tiền nhàn rỗi. Lãi suất tiền gửi tiết kiệm phổ biến được các ngân hàng áp dụng ở mức 4-5,5%/năm cho kỳ hạn 1-5 tháng và khoảng 6-7,5%/năm cho kỳ hạn từ 12 tháng trở lên.
Tuy nhiên, TS. Lê Thẩm Dương cho rằng, so với lạm phát thì lãi suất tiết kiệm hiện vẫn thực dương và trong bối cảnh các kênh đầu tư khác đang ảm đạm, thì tiết kiệm vẫn là kênh sinh lời được nhiều người lựa chọn.
TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia tài chính - ngân hàng nhận định, dư địa để giảm lãi suất khi lạm phát được kiểm soát ở mức thấp là còn, song khả năng lãi suất sẽ khó có thể giảm mạnh trong thời gian tới, song khó tăng mạnh trở lại. Khách hàng đang có xu hướng chọn kỳ hạn tiền gửi dài ngày, thay vì ngắn hạn như trước. Chính điều này sẽ tạo điều kiện tốt hơn cho các ngân hàng trong việc cơ cấu nguồn vốn cho vay trung, dài hạn.
Trên thực tế, dù lãi suất tiết kiệm giảm, huy động vốn toàn ngành đến cuối năm 2014 vẫn tăng 15,15% so với cuối năm 2013; trong đó, huy động vốn bằng VND tăng khá cao, 16,31% so với cuối năm 2013. Thanh khoản của các TCTD được đảm bảo dư thừa, lãi suất nội tệ trên thị trường liên ngân hàng ổn định ở mức thấp.
BQT sưu tầm