Không quan trọng là "ông lớn" hay "nhi đồng", không quan trọng là giao dịch tại thị trường nào, cổ phiếu tăng mạnh là cổ phiếu hấp dẫn.
Bị bỏ quên trong một thời gian dài bởi nhiều lý do như hàng hóa không hấp dẫn, không được giao dịch ký quỹ, thông tin hạn hẹp …, nhưng trong 2 năm trở lại đây, thị trường UPCom đã dần hút khách hơn khi có nhiều “bom tấn” xuất hiện sau quá trình cổ phần hóa. Không những thế, lại còn giao dịch sôi động với nhiều game hay.
Từ tháng 7/2015, Ủy ban chứng khoán Nhà nước đã điều chỉnh biên độ dao động giá chứng khoán trên Upcom từ ± 10% lên ± 15%. Điều này càng làm tăng thêm sức hấp dẫn của Upcom và tạo nên nhiều cổ phiếu có thể sinh lời ấn tượng trong thời gian ngắn. Riêng trong quý 1/2016, có thể chọn ra một số mã có mức tăng trưởng làm hài lòng mọi nhà đầu tư.
Dù vậy, không phải nhà đầu tư nào cũng nhớ đến Upcom và để ý các cổ phiếu trên thị trường này.
MSR – CTCP Tài nguyên Masan (Masan Resources)
CTCP Tài nguyên Masan được Masan Group thông qua công ty Masan Horizon nắm giữ 72,74% cổ phần. Ngoài ra, công ty MRC thuộc Mount Kellett sở hữu 20% và quỹ PENM III sở hữu 2,65%. Hoạt động chính của Masan Resouces là vận hành và khai thác mỏ đa kim Núi Pháo tại Thái Nguyên với các kim loại chính là vonfram, florit, đồng và bismut.
Báo cáo tài chính năm 2015 cho biết, trong năm qua, MSR đạt sản lượng kỷ lục từ tất cả các sản phẩm của mình. Quy về cơ sở tương đương với vonfram, sản lượng vonfram đã tăng hơn 35% so với năm trước. So sánh với năm 2014, sản lượng vonfram, florit và đồng tăng lần lượt 24%; 112% và 31%.
Do đó, lợi nhuận thuần phân bổ cho chủ sở hữu công ty đạt 152 tỷ đồng trong năm 2015, tăng 223,4% so với năm 2014.
Cổ phiếu của Masan Resources từ ngày 1/3 – 18/3 đã tăng 67% từ mức giá 8.800 đồng lên 14.700 đồng khi giá vonfram đang có hướng đi lên từ 3 tháng nay.
VEF – CTCP Trung tâm hội chợ triển lãm Việt Nam
Bị “hắt hủi” khi IPO nhưng khi lên Upcom, cổ phiếu VEF chỉ có một xu hướng là tăng. Tính từ ngày lên sàn (22/12/2015) đến 18/3/2016, tức trong gần 3 tháng, VEF đã tăng từ 10.100 đồng lên 45.200 đồng, tương ứng tăng gần 350%.
Tính riêng trong tháng 3, từ 1/3 – 18/3, VEF chỉ tăng 12%, nhưng tại phiên hôm nay (ngay 21/3), VEF lại đột biến tăng trần lên 51.100 đồng với khối lượng hơn 115.000 đơn vị tại lúc 11h sáng.
Ngày 25/3 tới đây là ngày giao dịch không hưởng quyền tham dự ĐHCĐ của doanh nghiệp này.
VSP – CTCP Vận tải biển và Bất động sản Việt Hải
Từng là một siêu cổ phiếu với mức tăng gần 600% trong hơn 2 tháng trong năm 2008, VSP rời sàn Hà Nội vào năm 2012 do kết quả kinh doanh thua lỗ bê bết. Sau đó, VSP đã quay lại giao dịch tại Upcom với sự đi xuống liên tục của giá cổ phiếu.
Tuy nhiên, trong vòng 1 tháng từ ngày 22/1 – 25/2/2016, VSP đã tăng rất ngoạn mục từ 600 đồng lên 1.800 đồng, tương đương mức tăng 200%. Nhiều phiên cổ phiếu này tăng trần với mức tăng 12 – 14%/phiên.
Giá cổ phiếu tuy “nhi đồng” nhưng mức sinh lời là đáng nể.
PFL – CTCP Dầu khí Đông Đô
Cũng như VSP, PFL là một gương mặt cũ trên HNX, bị hủy niêm yết trong năm 2015 và xuống giao dịch tại Upcom.
Từ ngày 26/1 – 16/3/2016, PFL tăng từ 1.000 đồng lên 2.100 đồng, tức tăng 110%. Trong đó, 3 phiên liên tục từ 14 – 16/3, cổ phiếu này tăng trần với mức tăng 10,5 - 12,5%/phiên.
Ngày 21/4 tới đây, PFL tổ chức ĐHCĐ thường niên 2016.