Sự biến động khá bất thường của các cổ phiếu nóng đã dẫn đến những chiến lược chuyên biệt dành cho nhóm này. Hy vọng bài viết này sẽ giúp nhà đầu tư tự tin hơn khi phải đối diện với các cổ phiếu nóng và duy trì "sự sống còn" trên thị trường chứng khoán.
Theo lẽ thường tình khi nhà đầu tư tham gia vào chứng khoán thì tâm lý đầu cơ luôn hiện diện dù ít hay nhiều. Vì vậy, cổ phiếu đầu cơ hay còn được gọi theo kiểu bình dân là “cổ phiếu nóng” luôn được nhắc đến trong mọi giai đoạn của thị trường.
“Cổ phiếu nóng” là gì?
Thực tế là trên thị trường có rất nhiều trường phái đầu tư khác nhau và có những quan điểm cho rằng “Không có cổ phiếu tốt hay xấu, chỉ có cổ phiếu tăng hay giảm mà thôi”. Nhiều nhà đầu tư cá nhân thường nhiệt tình ủng hộ cho trào lưu đầu tư "hiệu quả" này. Chính vì vậy, sự tăng giá của các cổ phiếu nóng trong một số trường hợp không liên hệ nhiều đến các yếu tố cơ bản. Tuy nhiên, đây chỉ là hiện tượng cá biệt.
Nếu cần có một định nghĩa chính xác thì cổ phiếu nóng là cổ phiếu có rất nhiều người chơi hoặc ít nhất là rất nhiều người chú ý. Nhà đầu tư hay nhầm lẫn “cổ phiếu nóng” và “cổ phiếu lởm”. “Cổ phiếu lởm” là cổ phiếu có tình hình kinh doanh tệ hại, thua lỗ triền miên… nhưng giá vẫn có thể tăng mạnh và sốc trong 1-2 tháng như PVX, PVA... “Cổ phiếu nóng” chỉ đơn giản là cổ phiếu được nhà đầu tư chú ý nhiều và biến động mạnh. Các cổ phiếu làm ăn tốt và ổn định như VNM, HHS, HAR, FIT, ASM, TTF, VIC, NLG, HDC, PDR, NTL… vẫn có thể là cổ phiếu nóng.
Chúng ta có thể điểm qua một số đặc điểm cơ bản thường xuất hiện ở những cổ phiếu nóng tại thị trường Việt Nam:
Thứ nhất, tình hình cơ bản của doanh nghiệp đang rất xấu, nay đột nhiên bớt xấu hơn. Ví dụ: doanh nghiệp đang ngập trong nợ nần, đột ngột giảm chi phí nợ do lãi suất cho vay trên thị trường giảm mạnh.
Thứ hai, cổ phiếu có lực mua rất mạnh từ các cổ đông nội bộ, hoạt động mua cổ phiếu quỹ hoặc các nhóm đầu cơ đã bán ra trước đó và đang cover lại hàng.
Thứ ba, những thông tin tốt đột biến về hoạt động kinh doanh, lợi nhuận hoặc thâu tóm sẽ tạo ra lực cầu “khủng” cho cổ phiếu, do chúng có thể làm thay đổi giá trị nội tại của doanh nghiệp.
Về giao dịch, cổ phiếu nóng thường có những đợt đảo chiều tăng giảm giá rất mạnh với khối lượng dễ dàng được kích thích đột biến. Tuy nhiên, sau khi dòng tiền có dấu hiệu rút đi thì thanh khoản thường cạn kiệt.
Một số chiến lược có thể áp dụng khi đầu cơ “cổ phiếu nóng”
Sử dụng nhóm MA như ngưỡng kháng cự/hỗ trợ di động. Nhóm MA (Moving Average) luôn đóng vai trò chủ đạo trong các nhóm chỉ báo kỹ thuật (technical indicators) vì nhóm này giúp nhà đầu tư nhận biết và đi theo (follow) xu hướng của thị trường.
Do các cổ phiếu nóng có quá trình bứt phá khá dài và sự điều chỉnh thường diễn ra nhanh nên việc dùng nhóm MA như là những ngưỡng kháng cự/hỗ trợ di động tỏ ra khá hiệu quả. Chiến lược mua vào khi giá test lại các đường MA, đặc biệt là các đường MA dài hạn đã đem lại lợi nhuận khá lớn cho các nhà đầu tư trong giai đoạn 2009-2015. Theo quan sát của người viết thì chiến lược này đặc biệt phá huy hiệu quả ở những cổ phiếu Large Cap.
Một trong những ví dụ khá điển hình là trường hợp SMA100 của CTG. Đường SMA100 đã liên tục hỗ trợ tốt cho giá trong quá trình đi lên, điển hình là vào tháng 05/2015. Ngược lại, sau khi bị phá vỡ đường này cũng đóng vai trò kháng cự rất ”hiệu quả” khi 2 lần báo hiệu thành công sự đảo chiều giảm điểm của CTG trong tháng 11/2014 và tháng 12/2014.
Vì vậy, bên cạnh việc dùng nhóm MA để có cái nhìn chính xác hơn về xu hướng thị trường thì nhà đầu tư cũng có thể mua bán dựa trên các điểm test của giá với nhóm này.
Giao dịch theo khối ngoại. Khối ngoại liên tục lướt sóng trong khoảng 3 năm gần đây và thực tế số liệu đã cho thấy họ giao dịch khá hiệu quả.
Do khối ngoại có ảnh hưởng rất lớn đến xu hướng của thị trường Việt Nam nên việc nhiều nhà đầu tư giao dịch theo khối ngoại cũng đem lại những kết quả khả quan.
Những cổ phiếu khối ngoại mua ròng liên tục thì cần đưa vào danh sách theo dõi. Trong khi đó, những cổ phiếu nào bị khối này bán ròng mạnh liên tục thì nhà đầu tư cần tránh xa để hạn chế thua lỗ bất ngờ.
Một góc nhìn khác về vùng overbought/oversold. Nhà đầu tư thường có thói quen giao dịch là bán ra ngay khi các chỉ báo dao động vừa đi vào vùng quá mua (overbought) và mua vào ngay khi các chỉ báo dao động vừa đi vào vùng quá bán (oversold). Chiến lược giao dịch này chỉ có thể phát huy hiệu quả khi thị trường đi ngang (sideway), còn trong giai đoạn có biến động rất mạnh thì chiến lược này khó mang lại hiệu quả và lợi nhuận cao. Giao dịch theo chiến lược này, nhà đầu tư dễ rơi vào tình thế mua/bán quá sớm so với đáy/đỉnh thực sự của cổ phiếu.
Một cách tiếp cận khác tỏ ra có hiệu quả cao là đợi đến khi các chỉ báo dao động rơi khỏi vùng quá mua (overbought) mới bán ra và các chỉ báo dao động vượt lên trên vùng quá bán (oversold) thì mới mua vào.
Có thể lấy một ví dụ khá điển hình trong những năm qua là trường hợp của cổ phiếu VNM. Trong toàn bộ thời gian giao dịch từ giữa tháng 10/2015 đến tuần thứ ba của tháng 11/2015, VNM liên tục tăng trưởng mạnh và chỉ báo Stochastic Oscillator cũng duy trì liên tục trong vùng quá mua (overbought).
Nếu một nhà đầu tư mua vào theo tín hiệu mua của Stochastic Oscillator vào đầu tháng 10/2015 và lại bán ra ngay khi chỉ báo này vừa mới đi vào vùng overbought thì lợi nhuận thu được sẽ rất thấp (khoảng 10%). Nếu chờ đến khi Stochastic Oscillator rơi khỏi vùng overbought mới bán ra thì lợi nhuận sẽ lên đến 30%. Vì vậy, đây là một chiến lược đáng để học hỏi và sử dụng.
Kết luận
Sự biến động khá bất thường của các cổ phiếu nóng đã dẫn đến những chiến lược chuyên biệt dành cho nhóm này. Hy vọng bài viết này sẽ giúp nhà đầu tư tự tin hơn khi phải đối diện với các cổ phiếu nóng và duy trì "sự sống còn" trên thị trường chứng khoán, vốn đang trở nên ngày càng khốc liệt./.