Việt Nam sẽ công bố danh sách 280 doanh nghiệp nhà nước cổ phần hóa trong năm nay, năm mà lượng chào bán cổ phần đạt kỷ lục trong nỗ lực đẩy mạnh chương trình cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước vốn đã nhiều lần trượt mục tiêu.
Nội dung nổi bật:
- Theo Phó Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp (Bộ Tài chính) 2015 sẽ là năm kỷ lục về giá trị số cổ phần của các DNNN bán ra
- Danh sách 280 DNNN được cổ phần hóa trong năm 2015 sẽ được tập hợp trong tháng này và sớm được công bố.
- Doanh nghiệp sẽ phải tổ chức roadshow ở nước ngoài, đẩy mạnh tìm kiếm đối tác chiến lược và tăng minh bạch.
Trao đổi với Bloomberg, ông Đặng Quyết Tiến - Phó Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp (Bộ Tài chính) – cho hay 2015 sẽ là năm kỷ lục về giá trị số cổ phần của các doanh nghiệp nhà nước bán ra với khoảng 280 doanh nghiệp được cổ phần hóa. “Việc công bố danh sách các công ty cùng với khối lượng cụ thể số cổ phần chào bán trong năm nay sẽ giúp thu hút các nhà đầu tư”, ông Tiến nói.
Được khởi xướng từ những năm đầu thập kỷ 1990, chương trình cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước đang được đẩy mạnh trong bối cảnh chính phủ đang nỗ lực thúc đẩy tốc độ tăng trưởng năm 2015 lên mức 6,2% - mức cao nhất trong 4 năm.
Tuy nhiên, quá trình cổ phần hóa phức tạp đã nhiều lần ảnh hưởng đến các kế hoạch giải quyết tình trạng hoạt động thiếu hiệu quả của các doanh nghiệp nhà nước. Chính những doanh nghiệp này đang có những khoản nợ xấu trở thành gánh nặng cho hệ thống ngân hàng.
Trong khi đó, Michel Tosto, trưởng bộ phận khách hàng doanh nghiệp tại công ty chứng khoán Bản Việt, ghi nhận chính phủ Việt Nam thực sự quyết tâm và nỗ lực hết sức có thể để đẩy mạnh quá trình này. “Tuy nhiên không thể tránh khỏi việc trì hoãn khi mà các thủ tục còn quá rườm rà khiến quá trình cổ phần hóa bị kéo dài như hiện nay. Do đó chính phủ khó có thể đạt được các mục tiêu đề ra ban đầu”, ông nói.
Ông Tiến cho biết danh sách 280 doanh nghiệp nhà nước bán cổ phần năm nay sẽ được tập hợp trong tháng này và sớm được công bố. Năm ngoái, Việt Nam đã không hoàn thành kế hoạch cổ phần hóa mặc dù số doanh nghiệp bán cổ phần đã tăng gấp đôi so với năm 2013. Tổng cộng có 143 DNNN được cổ phần hóa trong năm 2014, trong khi mục tiêu đề ra là 200.
Ông Tosto nhận định đơn giản hóa thủ tục là điều cần thiết để đẩy nhanh quá trình này. “Hiện nay có quá nhiều người tham gia vào quá trình cổ phần hóa. Họ cần phải “hiện đại hóa” quy trình phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) và niêm yết. Hai bước này (IPO và niêm yết) phải xảy ra đồng thời thay vì cách xa nhau nhiều tháng hoặc nhiều năm như bây giờ. Ngoài ra cần đưa ra mức định giá hợp lý’.
Về điểm này, ông Tiến cho biết các bước cổ phần hóa sẽ thay đổi trong năm nay. Các công ty “không nhất thiết phải IPO trước tiên, mà cần phải tìm được các đối tác chiến lược đưa ra những cam kết về phát triển lâu dài, tránh trường hợp cuối cùng thì các doanh nghiệp Việt bị thâu tóm”.
Các doanh nghiệp nhà nước sẽ phải triển khai roadshow ở nước ngoài để tiếp cận tốt hơn các nhà đầu tư nước ngoài. “Tăng cường tính minh bạch cũng sẽ giúp doanh nghiệp hấp dẫn hơn trong mắt nhà đầu tư”.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã đặt mục tiêu đến cuối năm nay các doanh nghiệp nhà nước phải hoàn tất thoái vốn ngoài ngành và các ngân hàng phải giảm nợ xấu xuống dưới 3%.
Tuần trước, tờ Thanh Niên đưa tin chính phủ sẽ bán thêm cổ phần tại Tổng công ty bia rượu nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) để giảm tỷ lệ sở hữu nhà nước từ khoảng 90% xuống còn 36%. Sabeco là công ty sản xuất bia lớn nhất Việt Nam và đã IPO từ năm 2008 nhưng chưa niêm yết cổ phiếu. Vietnam Airlines cũng đã chuẩn bị cho việc bán cổ phần từ năm 2008 nhưng đến tận tháng 11 năm ngoái mới IPO.
“Vấn đề hiện nay là chính phủ chưa biết cách marketing cổ phần hóa sao cho hấp dẫn đối với nhà đầu tư”, Marc Djandji – trưởng bộ phận khách hàng doanh nghiệp tại công ty chứng khoán VPBank – nhận định. "Cần phải làm tốt hơn công việc marketing để thu hút nhiều nhà đầu tư đến các cuộc đấu giá hơn.''