Trái ngược với diễn biến chung của thị trường, các cổ phiếu ngành điện giao dịch khá sôi động và có sự tăng trưởng khá cao.
Từ 16/3/2015 giá điện tăng 7,5%, lên bình quân 1.622,05 đồng/kWh - Sau khi thông tin về việc điều chỉnh tăng giá điện được công bố trong phiên họp của Chính phủ chiều 05/03, tâm lý thị trường chứng khoán phần nào bị ảnh hướng theo chiều hướng tiêu cực. Các chỉ số giảm điểm và giao dịch khá thận trọng.
Tuy nhiên, trái ngược với diễn biến chung của thị trường, các cổ phiếu ngành điện giao dịch khá sôi động và có sự tăng trưởng khá cao. Nhiệt điện Nhơn Trạch 2 (mã: NT2) tăng 4,7%, Thủy điện Thác Mơ (mã: TMP) tăng 4,1%, Thủy điện Vĩnh Sơn – Sông Hinh (mã: VSH) tăng 2,2%, Thủy điện thác Bà (mã: TBC) tăng 2% … Điều này khá giống với diễn biến của nhóm cổ phiếu ngành điện trong một vài lần trong quá khứ: khi EVN tăng giá bán điện, giá cổ phiếu ngành điện cũng “ăn theo”.
Tuy nhiên đây không phải câu chuyện mới. Việc EVN tăng giá điện vẫn được tập đoàn này lý giải là để bù đắp các chi phí sản xuất cao vượt quá doanh thu. Và EVN tăng giá không đồng nghĩa với việc các doanh nghiệp sản xuất điện sẽ tăng được giá bán điện cho EVN.
Theo bản tin nhận định thị trường của CTCK Rồng Việt ngày 06/03, việc tăng giá điện lần này sẽ có những tác động khác nhau tới kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp. Với các công ty ngành điện, giá điện tăng sẽ không giúp cải thiện biên lợi nhuận do giá bán đã được quy định trong hợp đồng với EVN. Tuy nhiên, chi phí của nhiều đơn vị sản xuất như xi măng, sắt thép, phân bón, hóa chất,…sẽ bị tăng lên đáng kể do điện thường chiếm tỷ trọng khá lớn trong giá vốn (từ 10-20 %).
Nhìn theo góc độ vĩ mô, giá điện tăng sẽ có những tác động lên chỉ số giá tiêu dùng của tháng 4. Chuyên viên vĩ mô của Rồng Việt cho rằng việc lạm phát tăng sẽ không đáng quan ngại do mặt bằng giá hiện tại đang ở mức khá thấp, CPI tháng 2 đã giảm 0,11% so với tháng trước đó.